Đẩy mạnh việc phát triển tài sản trí tuệ trong nông nghiệp

Theo đánh giá của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (KHSHTT), công tác quản trị tài sản trí tuệ tại Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Ngày 19/6, Đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với Đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tổ chức chương trình “Ngày hội Sở hữu trí tuệ” năm 2020 tại Hà Nội.

Chương trình được tổ chức nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên trong công tác nghiên cứu khoa học, kết nối chuỗi giá trị trong sở hữu tài sản trí tuệ giữa nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp giữa Bộ NN-PTNT và Bộ KH-CN.

Tại Hội thảo “Quản trị tài sản trí tuệ và công cụ khai thác thông tin sở hữu công nghệp phục vụ hoạt động tạo dựng, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ trong nông nghiệp”, nhiều vấn đề nóng liên quan đến công tác tạo dựng, xác lập tài sản trí tuệ được đưa ra thảo luận.

Các vấn đề liên quan đến công tác tạo dựng, xác lập tài sản trí tuệ được đặc biệt quan tâm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Các vấn đề liên quan đến công tác tạo dựng, xác lập tài sản trí tuệ được đặc biệt quan tâm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo đánh giá của Viện KHSHTT, Bộ KH-CN, thực trạng tài sản trí tuệ hiện nay tại các viện nghiên cứu có chất lượng thấp; mối liên kết giữa các ngành công nghiệp, viện nghiên cứu còn yếu; khả năng quản trị công tác xác lập quyền chưa đủ mạnh; hiệu lực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế.

Ông Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởng Viện KHSHTT, chỉ ra rằng nếu không quản trị tốt tài sản trí tuệ sẽ dẫn đến những tổn thất nặng nề cho viện nghiên cứu cũng như các nhà khoa học như: Lãng phí tài nguyên trí tuệ, vốn trí tuệ; giảm sút, triệt tiêu hiệu quả đầu tư sáng tạo; đánh mất cơ hội, giảm sút khả năng cạnh tranh, giảm thiểu động lực phát triển; tổn thất uy tín, tài chính do vướng vào các tranh chấp, rắc tối pháp lý với người khác.

Cũng tại Hội thảo, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (KHNNVN), Bộ NN-PTNT, đã nêu ra những khó khăn, hạn chế trong hoạt động sở hữu trí tuệ của đơn vị: Hoạt động tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức với tốc độ và yêu cầu hội nhập, phát triển kinh tế xã hội; hoạt động khai thác các giá trị của sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm; Viện KHNNVN và các đơn vị thành viên hầu hết không có cán bộ chuyên trách về bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ.

Theo đánh giá của Viện KHSHTT, thực trạng tài sản trí tuệ hiện nay tại các viện nghiên cứu có chất lượng thấp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo đánh giá của Viện KHSHTT, thực trạng tài sản trí tuệ hiện nay tại các viện nghiên cứu có chất lượng thấp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhận thức về sở hữu trí tuệ của các cán bộ nghiên cứu chưa đồng đều và đầy đủ trong điều kiện Viện chuyển hướng sang tự chủ về tài chính. Thiếu tư vấn về thủ tục bảo hộ sở hữu trí tuệ. Chưa xác định được phương án thực hiện hoạt động sở hữu trí tuệ phù hợp trong bối cảnh không có nguồn ngân sách riêng để duy trì và thúc đẩy hoạt động này.

Trong khuôn khổ chương trình “Ngày hội Sở hữu trí tuệ” năm 2020, Viện KHNNVN và Viện KHSHTT đã tổ chức lễ kí kết thỏa thuận hợp tác về sở hữu trí tuệ và khai trương trạm khai thác thông tin sở hữu công nghiệp IPPlatform.

Kí kết thỏa thuận hợp tác về sở hữu trí tuệ giữa Viện Khoa học sở hữu trí tuệ và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Phạm Hiếu.

Kí kết thỏa thuận hợp tác về sở hữu trí tuệ giữa Viện Khoa học sở hữu trí tuệ và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Sự kiện này là bước đầu phối hợp giữa Đoàn Thanh niên Bộ KH-CN và Bộ NN-PTNT về công tác nghiên cứu khoa học và công tác sở hữu trí tuệ. Thỏa thuận hợp tác sẽ tập trung vào công tác đào tạo, huấn luyện các nhà khoa học của Viện KHNNVN trong việc tạo dựng, phát triển tài sản trí tuệ”, ông Nguyễn Hữu Cẩn chia sẻ.

 

Nguồn: Nongnghiep.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *