Vì sử dụng công nghệ cắt là phần mềm không có bản quyền mà sản phẩm của một doanh nghiệp dệt may không được xuất khẩu sang Mỹ. Sở hữu trí tuệ đang là vấn đề “nóng”, khi chỉ còn 20 ngày nữa, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu được thực thi.
Sở hữu trí tuệ là khung pháp lý gắt gao
Từ 1.8.2020, Hiệp định Thương mại tự do Châu Âu (EU) – Việt Nam (EVFTA) được thực thi. Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 85,6% số mặt hàng, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 7 năm, 99,2% số mặt hàng sẽ được hưởng thuế 0%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Trong quá trình đàm phán để ký kết Hiệp định Thương mại EVFTA, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nhiều lần nhấn mạnh về tính toàn diện, chất lượng tổng hợp của Hiệp định này, bởi EVFTA điều chỉnh rất nhiều vấn đề khác nhau, trong đó vấn đề sở hữu trí tuệ được đặc biệt chú trọng và trở thành khung pháp lý trong quá trình thực thi.
“Trong xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay, hệ thống sở hữu trí tuệ là cơ sở, tiền đề để một quốc gia kiểm soát các hoạt động kinh doanh và bảo vệ thương hiệu; từ đó giúp thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia, tăng cơ hội tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, tạo môi trường, cũng như hành lang pháp lý vững chắc để các cá nhân, tổ chức yên tâm phát triển ý tưởng sáng tạo, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, có tính ứng dụng cao” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Những cam kết cụ thể về mức độ bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định EVFTA nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp của hai bên được hưởng sự bảo hộ cao nhất, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp hai bên.
Một số chuyên gia kinh tế cho biết, thực thi Hiệp định EVFTA, trong trao đổi hàng hóa, xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư, các quy định về chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ nghiêm minh, thậm chí rất “hà khắc”, có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát (ví dụ như kiểm soát tại biên giới), đặc biệt là nguy cơ bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng, mất thị trường… khi doanh nghiệp để xảy ra các vụ tranh chấp về sở hữu trí tuệ.
Theo TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI), trong kiểm soát tại biên giới, EVFTA yêu cầu cơ chế chủ động kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu và quá cảnh đối với hàng giả mạo nhãn hiệu và hàng sao lậu quyền tác giả mà không cần phải có yêu cầu của chủ sở hữu trí tuệ.
Chuẩn bị kỹ lưỡng để thực thi đầy đủ
Là một trong các hiệp định thương mại lớn thế hệ mới, Hiệp định EVFTA yêu cầu minh bạch hóa hơn nữa các chính sách, quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ, cụ thể như phải công bố trên Internet quy định pháp luật, các thủ tục, quyết định liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, hay minh bạch hơn trong quy trình xác lập cũng như thực thi quyền sở hữu trí tuệ…
TS Võ Trí Thành đánh giá, cam kết về quyền sở hữu trí tuệ trong EVFTA sâu hơn, đáng kể so với chuẩn mực trong Hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPs) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việc nhận thức và thực thi đầy đủ các cam kết về quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa quan trọng, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng vị thế thị trường và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, trên thực thế, từ trước đến nay, hầu hết các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đều ít quan tâm đến sở hữu trí tuệ. Điều này cần phải điều chỉnh trong thời gian rất gấp, bởi thời hạn thực thi EVFTA đã gần kề.
Hiệp định EVFTA yêu cầu phải có cơ chế đền bù cho chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế nếu chậm trễ bất hợp lý trong thủ tục cấp phép lưu hành thuốc (cơ chế này chưa từng xuất hiện trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) hay pháp luật Việt Nam); yêu cầu công nhận và bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý (rượu vang, rượu mạnh và các mặt hàng nông sản khác) của EU với mức bảo hộ cao vốn chỉ dành riêng cho rượu vang và rượu mạnh…; EU cũng bảo hộ cho 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.
Nguồn: laodong.vn