Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 phê duyệt Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, đánh dấu bước phát triển mới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Công cụ đắc lực phát triển kinh tế – xã hội
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Cục đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động sở hữu trí tuệ trong thời gian tới để đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ đắc lực phát triển kinh tế – xã hội.
Năm 2019, Cục đã cấp 9 Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và 280 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm đặc thù địa phương; triển khai Dự án “Xây dựng biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia”, triển khai Quy chế phối hợp trong công tác xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương; đẩy mạnh bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tham gia Chương trình thương hiệu quốc gia, Chương trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực quốc gia, ngành và địa phương; triển khai Dự án xây dựng “Mạng lưới các Trung tâm phát triển tài sản trí tuệ tại các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp (IP-HUB/TISC)”.
Trong giai đoạn 2010-2020, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đã hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ cho 118 sản phẩm chủ lực của các địa phương; hỗ trợ, tư vấn thành lập 63 tổ chức tập thể kiểm soát, quản lý sản phẩm được bảo hộ; tập huấn, đào tạo về sở hữu trí tuệ cho 47.000 lượt người; hỗ trợ đăng ký bảo hộ 50 sáng chế cho người Việt Nam… Sự thành công của Chương trình là mô hình tham khảo đối với các tỉnh/thành phố để xây dựng và triển khai các Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương. Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ đang xây dựng dự thảo Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021-2030 để xin ý kiến Bộ trưởng và lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Thời gian qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã tham gia tích cực vào các diễn đàn, tổ chức quốc tế có nội dung hợp tác về sở hữu trí tuệ như: APEC, ASEAN, WTO và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và đàm phán nội dung sở hữu trí tuệ trong các Hiệp định thương mại quốc tế (CPTPP, EVFTA…). Cục cũng đã có thỏa thuận hợp tác về sở hữu trí tuệ với các Cơ quan sở hữu trí tuệ của cả 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Nhóm 5 Cơ quan sở hữu trí tuệ lớn nhất thế giới gồm: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đặc biệt, Việt Nam đã được bầu giữ chức Chủ tịch Đại hội đồng WIPO nhiệm kỳ 2018-2019 và đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Nhóm công tác về Hợp tác sở hữu trí tuệ các nước ASEAN.
Tăng tốc độ xử lý đơn về sở hữu trí tuệ
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng lượng đơn xử lý trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2019; số Văn bằng bảo hộ cấp tăng hơn 18%, trong đó số Bằng độc quyền sáng chế tăng hơn 56%.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh: Cục đã áp dụng đồng bộ các giải pháp nên lượng đơn được xử lý trong năm 2019 tăng 51,7% so với năm 2018, trong đó nhãn hiệu quốc gia tăng 67%, sáng chế tăng 48,7%. Số văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp cấp ra năm 2019 tăng trên 40% so với năm 2018. Bên cạnh đó, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đã góp phần quan trọng khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, dần tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong cộng đồng xã hội.
Đặc biệt, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế nói chung và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng, Cục Sở hữu trí tuệ đã đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng việc ban hành Thông báo số 5277/TB-SHTT ngày 31/3 về việc áp dụng quy định pháp luật về thời hạn đối với người nộp đơn bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, thời hạn dành cho người nộp đơn thực hiện các thủ tục được kéo dài. Đồng thời, Cục hỗ trợ thẩm định nhanh các đơn sáng chế liên quan đến dịch COVID-19 như: Sáng chế Bộ sinh phẩm RT-LAMP; Sáng chế chế phẩm sinh học MMS, phương pháp diệt/kháng vi khuẩn, virus và quy trình tạo ra chế phẩm sinh học; Sáng chế hệ thống buồng khử khuẩn công nghệ plasma chống lây nhiễm chéo và diệt virus; Sáng chế hệ thống thử nghiệm khử khuẩn bề mặt công nghệ plasma; Sáng chế quy trình sản xuất khẩu trang kháng khuẩn 5 lớp…
Ông Đinh Hữu Phí cho biết: Hoạt động sở hữu trí tuệ thời gian qua dù đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, tốc độ xử lý đơn về sở hữu trí tuệ đã tăng nhanh, công tác thẩm định đơn và cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp cũng được rút ngắn, nhưng hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ vẫn còn gặp vướng mắc trong công tác xây dựng Luật Sở hữu trí tuệ, triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ, công tác thẩm định đơn và cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, nhiệm vụ quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và phát triển tài sản trí tuệ, rút ngắn thời gian xử ký đơn sở hữu công nghiệp để đưa tài sản trí tuệ thành công cụ phát triển kinh tế – xã hội.
Nguồn: baotintuc.vn