Hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ

Dù nền móng hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) của Việt Nam được xây dựng tương đối vững chắc, nhưng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra đòi hỏi ngày càng cao hơn, nhất là yêu cầu về khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng hội nhập quốc tế.

Tích cực hoàn thiện cơ chế
Ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) – cho biết, thời gian qua, Cục đã phối hợp với các cơ quan của Bộ Công Thương xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật SHTT để trình Quốc hội thông qua vào ngày 14/6/2019. Bên cạnh đó, đã hoàn thành việc xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược SHTT đến năm 2030.

hinh thanh van hoa so huu tri tue
Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ trong kinh doanh

Việt Nam đã tham gia tích cực vào các diễn đàn, tổ chức quốc tế có nội dung hợp tác về SHTT như APEC, ASEAN, WTO và WIPO; đồng thời, đàm phán nội dung SHTT trong các Hiệp định thương mại quốc tế như CPTPP, EVFTA…; triển khai nhiều nhiệm vụ/hoạt động cụ thể để đưa SHTT trở thành công cụ phát triển kinh tế – xã hội.
Cụ thể, triển khai Dự án “Xây dựng biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia”; triển khai Quy chế phối hợp trong công tác xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý giữa Bộ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương; đẩy mạnh bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Ngoài ra, Cục SHTT còn tích cực tham gia các chương trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực quốc gia, ngành và địa phương; triển khai Dự án Xây dựng Mạng lưới các Trung tâm phát triển tài sản trí tuệ tại các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp (IP-HUB/TISC). Đặc biệt, triển khai thành công Chương trình phát triển tài sản trí tuệ.
Tạo dựng văn hóa 
Thông qua việc hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT cũng như triển khai một loạt chương trình, dự án… đã góp phần quan trọng khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, dần tạo dựng văn hóa SHTT trong cộng đồng.
Theo thống kê, lượng đơn đăng ký SHTT được xử lý năm 2019 tăng 51,7% so với năm 2018; trong đó, nhãn hiệu quốc gia tăng 67%, sáng chế tăng 48,7%. Số văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp cấp ra năm 2019 tăng trên 40% so với năm 2018. Đồng thời, đã cấp 9 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, 280 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm đặc thù của địa phương trong năm 2019.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, nhưng lượng đơn xử lý được trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 26.036 đơn (tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2019); số văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp được cấp tăng 18,1%, trong đó số bằng độc quyền sáng chế tăng 56,7%” – ông Đinh Hữu Phí chia sẻ.
Hay đơn cử, chương trình phát triển tài sản trí tuệ được triển khai thời gian qua đã hỗ trợ bảo hộ SHTT cho 118 sản phẩm chủ lực của các địa phương; hỗ trợ, tư vấn thành lập 63 tổ chức tập thể kiểm soát, quản lý sản phẩm được bảo hộ; tập huấn về SHTT cho 37.000 lượt người; hỗ trợ đăng ký bảo hộ 50 sáng chế cho người Việt Nam…
Phát biểu tại buổi làm việc với Cục SHTT mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả Cục SHTT đạt được trong các lĩnh vực xây dựng chính sách, pháp luật, hợp tác và hội nhập quốc tế cũng như công tác xử lý đơn. Đặc biệt, Cục đã chủ trì xây dựng thành công Chiến lược SHTT đến năm 2030 để định hướng sự phát triển của hệ thống SHTT nước ta, đưa SHTT trở thành công cụ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

 

Nguồn: sokhoahoccongnghe.phuthi.gov.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *