Chờ đột phá từ 1 đề xuất mới của Bộ Công an

Liệu tới đây, chính sách cư trú sẽ có thay đổi lớn từ nhận xét xác đáng như thế của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm ở một cuộc họp gần đây?

Chi tiết hơn, trong phiên họp thứ 44 ngày 22-4 để Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về dự thảo Luật Cư trú sửa đổiBộ trưởng Tô Lâm đã nêu ra sự cần thiết phải bỏ sổ hộ khẩu

 Theo đó, để đơn giản hóa thủ tục hành chínhgiấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, Bộ Công an sẽ quản lý việc cư trú thông qua mã số định danh cá nhân và cập nhật kết quả đăng ký trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bấy giờ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép khai thác chung cơ sở dữ liệu này để xử lý công việc. Cũng khi ấy, người dân không còn phải nhọc nhằn nộp tới nộp lui sổ hộ khẩu.

Chờ đột phá từ 1 đề xuất mới của Bộ Công an - ảnh 1
Thay vì quản lý dựa vào sổ hộ khẩu, Bộ Công an sẽ quản lý việc cư trú thông qua mã số định danh cá nhân và cập nhật kết quả đăng ký trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Không chỉ có vậy, Bộ trưởng Tô Lâm còn nêu ý kiến có liên quan đến điều kiện được đăng ký thường trú tại các đô thị lớn. Theo luật hiện hành, việc đăng ký thường trú tại các TP trực thuộc trung ương khó hơn so với tại các TP khác. Phải phân biệt vậy là để hạn chế tình trạng nhập cư đông đảo vào các đô thị lớn. Song thực tế triển khai trong nhiều năm qua cho thấy quy định riêng ấy không thực sự phát huy hiệu quả.

Theo lời bộ trưởng, tình trạng gia tăng dân số cơ học, di dân từ các tỉnh, nông thôn đến các TP lớn, trong đó có các TP trực thuộc trung ương vẫn rất cao… Từ hạn chế đó, bộ trưởng cho biết Chính phủ đã thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc trung ương.

Hiện tại, trên trang web của QH có cả hai dự thảo (một dự thảo đăng ngày 14-2 và một dự thảo trình Ủy ban Thường vụ QH tại phiên họp thứ 44) mà theo đó đều có quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại các TP trực thuộc trung ương.

Ở dự thảo 1, điều kiện đăng ký tại các TP lớn đó còn khó hơn cả luật hiện hành. Chẳng hạn, cùng với việc có chỗ ở hợp pháp, người đăng ký còn phải có thời gian tạm trú liên tục tại TP đó từ hai năm trở lên.

Dự thảo 2 nới lỏng hơn dự thảo 1 và với cả luật hiện hành khi đưa ra nguyên tắc người có chỗ ở hợp pháp ở đâu sẽ được đăng ký thường trú ở đó. Theo đó, nếu người đăng ký có chỗ ở hợp pháp do đi thuê, đi mượn, đi ở nhờ không phải là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, thứ hai của chủ hộ thì cần được chủ nhà đồng ý bằng văn bản. Những trường hợp này còn phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND cấp tỉnh…

Chờ đột phá từ 1 đề xuất mới của Bộ Công an - ảnh 2
Với tư duy mới của cơ quan chức năng, sắp tới đây người dân sẽ không còn phải nhọc nhằn nộp tới nộp lui sổ hộ khẩu.

Xem ra, không chỉ là ứng dụng khoa học, công nghệ để bãi bỏ sổ hộ khẩu và xóa bỏ cho người dân những rườm rà, phiền nhiễu dắt dây, dự thảo 2 còn cho thấy một tư duy quản lý cư trú mới từ Bộ Công an và Chính phủ rất cần nhiều sự ủng hộ, tán thành.

Đó là tuy luôn phải đối diện với những áp lực phục vụ nhiều cư dân trước sự gia tăng dân số nhưng các TP lớn không thể khép cửa với người nhập cư bằng những quy định, thủ tục hành chính đơn thuần. Bởi lẽ, dẫu chưa hay không được cho đăng ký thường trú vì những rào cản hành chính đó thì họ vẫn cứ đến, ở, làm việc…

Qua ngần ấy năm cấm cản khó thành, giờ chính quyền không thể để xảy ra tình cảnh “vì không thể đăng ký thường trú để được cấp sổ hộ khẩu mà con em nhiều người nghèo tha phương lên TP làm thuê, làm mướn gặp khó khăn trong việc đi học…” như ghi nhận của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tại cuộc họp nêu trên nữa rồi.

Chắc chắn phải chờ thêm một thời gian nữa thì QH mới có quyết định chính thức cho việc bỏ những điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại các TP, đô thị lớn.

Trước mắt, về mặt kỹ thuật xây dựng văn bản, khi Chính phủ đã muốn bỏ các điều kiện này thì dự thảo luật không nên dành ra một điều để quy định việc đăng ký thường trú tại các TP trực thuộc trung ương.

Nếu thấy cần, dự thảo có thể quy định chung về việc đăng ký thường trú tại tất cả TP. Khi đó, những đòi hỏi tựa như phải được chủ nhà chấp nhận khi không phải là người thân, phải đạt diện tích ở bình quân… cũng sẽ được áp dụng chung để chấm dứt những phân biệt lớn, nhỏ không hợp thời.

 

Nguồn: Phapluatplo.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *