Khắc phục sự “yếu ớt” trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

VHO- Dự án Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Hội đồng Anh sẽ chuẩn bị triển khai từ tháng 10 với sự hỗ trợ của Quỹ Quốc tế vì Đa dạng Văn hóa của UNESCO.

 Trong bối cảnh các không gian sáng tạo, vấn đề bảo vệ bản quyền cho nghệ sĩ và người thực hành sáng tạo đang đặt ra cấp thiết  Ảnh minh họa do Hội đồng Anh cung cấp

 Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Vicas) cho biết, dự án sẽ được chính thức triển khai từ tháng 10.2020 đến hết tháng 9.2021 với sự kết nối chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ cũng như với các nghệ sĩ, người thực hành sáng tạo trong cả nước. Dự án được thực hiện với sự hỗ trợ từ Quỹ Quốc tế vì Đa dạng Văn hóa (IFCD), nằm trong khuôn khổ Công ước 2005 về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa của UNESCO.

Đề ra những mục tiêu cụ thể

Dự án Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam sẽ triển khai các hoạt động nhằm cải thiện việc bảo vệ và nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đóng góp vào sự phát triển bền vững của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong nước. Dự án có ba mục tiêu cụ thể: Đánh giá tổng quan thực trạng về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam để xây dựng nhận thức chung và hiểu biết thực tiễn về khuôn khổ pháp lý về sở hữu trí tuệ cho các ngành văn hóa và sáng tạo; nâng cao năng lực thể chế trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các lĩnh vực văn hóa sáng tạo thông qua một chuỗi các khóa đào tạo dành cho cán bộ nhà nước các cấp, các ngành liên quan; đẩy mạnh, nâng cao nhận thức và củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo tại Việt Nam thông qua các khóa đào tạo cơ bản về sở hữu trí tuệ dành cho các nghệ sĩ, người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo.

Vicas nhấn mạnh, nền kinh tế sáng tạo là một xu hướng mới đang nổi lên tại Việt Nam, đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia với 7,465 tỉ USD, chiếm 3,42% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2018 (theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Dự thảo Báo cáo quốc gia định kỳ về thực hiện Công ước 2005 của UNESCO về Bảo vệ sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, Bộ VHTTDL, 2016-2019). Những tiến bộ kinh tế vượt bậc cộng với thành phần dân số trẻ, năng động có tiềm năng đem đến những cơ hội phát triển một thị trường sôi động cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa sáng tạo nội địa.

Tuy nhiên, có một thực tế là các ngành văn hóa và sáng tạo của Việt Nam đã và đang gặp phải rất nhiều thử thách do những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ của nghệ sĩ và những người sáng tạo, gây ảnh hưởng tiêu cực kéo dài tới sự phát triển khỏe mạnh của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Bởi vậy, dự án sẽ đóng góp cho việc thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết và hỗ trợ hoạt động thực hành bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của những cá nhân và tổ chức có liên quan đến quá trình sản xuất, phân phối và hưởng thụ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa sáng tạo với mục đích đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ và sự tôn trọng dành cho nghệ sĩ, người sáng tạo.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược đã thúc đẩy những mục tiêu đầy tham vọng về sự tăng trưởng cần đạt của các ngành công nghiệp này tại Việt Nam. Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) là cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp văn hóa và trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược, cùng với vai trò chính là đơn vị quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, bản quyền, quyền tác giả và quyền liên quan trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo. Dự án mong muốn phối hợp chặt chẽ với Cục trong việc nghiên cứu đánh giá khuôn khổ pháp lý và thực trạng thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam; trên cơ sở đó xây dựng những bộ công cụ hướng dẫn căn bản về bảo vệ sở hữu trí tuệ cho những người làm công tác quản lý nhà nước các cấp trong các ngành văn hóa – sáng tạo.

blank

Các ngành văn hóa và sáng tạo của Việt Nam đã, đang gặp phải nhiều thử thách do những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ Ảnh minh họa do Hội đồng Anh cung cấp

Sự ràng buộc pháp luật còn mong manh

Trong dự án này, Vicas và Hội đồng Anh với kinh nghiệm là đối tác chiến lược trong nhiều dự án hỗ trợ cho sự phát triển của ngành văn hóa nghệ thuật và sáng tạo ở Việt Nam đã tiếp tục đặt ra những cam kết cao trong phối hợp làm việc với mạng lưới nghệ sĩ và người thực hành nghệ thuật sáng tạo. Những nghiên cứu của hai cơ quan cho thấy một số lượng lớn các nghệ sĩ và người thực hành nghệ thuật sáng tạo bày tỏ quan điểm về sự yếu ớt trong công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như nỗi bức xúc khi sự xâm phạm bản quyền vẫn đang diễn ra tràn lan.

Nghiên cứu cũng chỉ ra những hạn chế trong hiểu biết của người dân nói chung và cộng đồng sáng tạo nói riêng về ảnh hưởng tiêu cực mà việc sao chép và vi phạm bản quyền có thể gây ra cho ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Một số nhận thức ít ỏi về những hành vi vi phạm đó cho rằng, sự ràng buộc pháp luật trong vấn đề này còn mong manh và chưa đủ minh chứng để có thể truy tố. Do vậy, dự án mong muốn sẽ đem đến những hiểu biết và kỹ năng thực tiễn cho nghệ sĩ, người thực hành nghệ thuật sáng tạo nhằm nâng cao khả năng bảo vệ quyền lợi và những sản phẩm mình tạo ra trước sự xâm phạm về quyền sở hữu trí tuệ. Các hoạt động sẽ được triển khai gồm workshop, xây dựng công cụ hướng dẫn căn bản về sở hữu trí tuệ, đối thoại và tiếp cận với các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

Dự án Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đặt mục tiêu lâu dài là hỗ trợ cho sự phát triển đồng đều và bền vững của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam. PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Trưởng BQL dự án cho biết: “Qua việc hỗ trợ tăng cường hiệu quả thực thi và nâng cao năng lực cho các bên tham gia, Dự án sẽ giúp tạo ra các cơ hội để các ngành văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo có thể phát triển hơn nữa, đem lại lợi ích thiết thực về kinh tế, văn hóa và xã hội cho nghệ sĩ, người thực hành sáng tạo, cộng đồng khán giả và những người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ văn hóa sáng tạo ở Việt Nam”.

Nguồn: Baomoi.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *